Chùa Thiên Ân
Bước qua cổng tứ trụ, quý vị sẽ bước chân vào khuôn viên của đền Thõng và chùa Thiên Ân. Nép mình dưới tán của cây đa 9 cội, chùa Thiên Ân gợi nhớ lại một trong 3 ngôi chùa cổ nhất tại Tây Thiên. Nền cũ của chùa Thiên Ân xưa được chọn là nơi xây dựng Thiền viện Tây Thiên ngày nay. Theo lời của đại đức Thích Kiến Nguyệt- Viện trưởng Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, thì để tìm ra dấu tích của chùa Thiên ân cổ tự, một ngôi chùa trong tổng thể nhiều ngôi chùa ở khu vực Tây Thiên - Tam Đảo, từ ngày 16 tháng 3 năm 2003 đến ngày 18 tháng 3 năm 2003, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành khảo sát ở địa điểm độ cao khoảng 250m so với mực nước biển trong khoảng trống giữa hai sườn núi thuộc khoảng 3, tiểu khu 96, phân khu đền Thỏng, thôn Đồng Thỏng, xã Đại Đình. Sở dĩ có cuộc thám sát ở đây vì theo nhiều nguồn thông tin từ nhân dân địa phương, tấm bia đá 4 mặt duy nhất hiện đang được dựng ở sân đền Thỏng hiện nay là được di chuyển từ khu vực này.
Kết quả đào thám sát tại khu nền này, ở độ sâu 20cm thấy xuất lộ nhiều mảnh gốm sứ có trang trí hình cánh sen, hình bông cúc... được xác định có từ thế kỉ 13 đến thế kỉ 19, nghĩa là đã có trên 600 năm nay và ngôi chùa bị đổ nát chỉ từ khoảng giữa thế kỉ 19 về sau.
Dấu tích ngôi chùa cũ, đó là những lí do sâu sắc để Hòa thượng - Thiền sư Thích Thanh Từ - Viện trưởng Thiền viện Trúc lâm Đà Lạt quyết định xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên trên nền chùa Thiên Ân cũ, một di tích Phật giáo Thiền tông đời Trần. Như một đôi câu đối viết về nhà chùa, một Duyên khởi của sự Hữu duyên vượt qua cuộc sống Vô thường mà nên việc lớn:
Thiên Ân Thiền tự minh vô ám
Phật sự kính thành kính hữu duyên.
Nghĩa là:
Chùa Thiền Thiên Ân gương trong không ám
Việc Phật lòng thành tôn kính, tất có phúc về sau.
Ngày nay, chùa Thiên Ân được phục dựng lại ngay bên cạnh đền Thõng, chùa có kiến trúc gồm 2 gian thờ dọc, là ngôi chùa đầu tiên trong hành trình đăng sơn của quý vị
Chùa Phù Nghì
Thưa quý khách! cũng như chùa Tây Thiên, chùa Phù Nghì là ngôi cổ tự ở núi Tam Đảo. Hiện vật của ngôi chùa còn được lưu giữ đến ngày nay là quả chuông có đề danh là Phù Nghì tự chung (chuông chùa Phù Nghì) đang treo trong ngôi đền Thỏng (tức đền Trình), thôn Đồng Thỏng xã Đại Đình, được đúc hoàn thành vào ngày Nhâm Dần tháng trọng Hạ (tháng 5) năm Thiệu Trị thứ 2 đời vua Nguyễn Hiến tổ Hoàng triều (1842).
Chùa xưa tọa lạc nơi chân núi Phù Nghì ở độ cao khoảng 300m, nằm sát khe Trường Sinh về bên trái. Cách chùa Tây Thiên (tức Thiên ân Thiền tự) khoảng 1.500m về phía đông bắc. Cũng cách ngôi đền Cô (tức đền Cô Bé) bên bờ suối Giải Oan rẽ ngang vào khoảng 1km. Đây là khu hoang tích nên cây trúc, cây sặt mọc thành rừng, âm u rậm rạp. Đặc biệt trong khuôn viên chùa còn cây thông cổ thụ ước độ một ngàn năm trăm tuổi là sự hiện diện của dấu tích thời gian.
Để có dự án khôi phục lại khu di tích Tây Thiên, trong các ngày 19 và 20 tháng 3 năm 2004 Sở Văn hóa Thông tin cùng Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành thám sát khu vực này.
Kết quả khảo sát khai quật cho thấy đây đã từng tồn tại ngôi cổ tự từ đời Trần (thế kỉ 13). Qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo nhưng cũng chỉ kéo dài đến cuối triều Nguyễn ở cuối thế kỉ 19, trải qua gần 700 năm tồn tại nay chỉ còn là phế tích. Như phép mầu Nhân - Duyên hội đủ, ngày 7 tháng 4 năm 2011, Ni chúng Tịnh thất Tây Thiên đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận quyết định bổ nhiệm trụ trì và động thổ khởi công xây dựng ngôi chùa cổ Phù Nghì với tự danh mới là Tây Thiên Thăng Long cổ tự.
Trên đỉnh Phù Nghì thiêng liêng, một Phật đài trang nghiêm được dựng lên, chính diện với cây thông cổ thụ cao vời vợi, hiên ngang đứng trấn như minh chứng cho sự cổ kính của vùng đất có dấu chân của phật pháp, của ước mơ trên cõi Niết Bàn gần thiên niên kỉ, ngày nay trở lại với chốn dân gian. Trên đường đến lễ đài động thổ, trước lối vào chùa xưa, tất cả đều không khỏi ngất ngây xúc động khi được nhìn thấy biển hiệu Tây Thiên Thăng Long cổ tự như minh chứng hùng hồn cho cuộc hội lễ nhiệm màu của thời gian và phật pháp.
Chùa Phù Nghì hiện vẫn đang tiếp tục được phục dựng lại, quý khách có thể quan sát được từ trên cáp treo hoặc đi theo đường đi bộ từ đền Cậu lên khoảng 3km.
Chùa Tây Thiên
Nằm ở độ cao 530m so với mực nước biển, chùa Tây Thiên hay còn gọi là Tây Thiên Thiền Tự là 1 trong 3 ngôi chùa cổ nhất tại Tây Thiên. Chùa thờ tự theo phái Đại Thừa có cấu trúc theo kiểu thức chùa làng Việt.
Về niên đại không rõ được xây dựng từ năm nào, nhưng theo ngọc phả Hùng Vương, khi vua Hùng đời thứ 7 là Hùng Chiêu Vương (1631-1432 TCN) lên Tam Đảo cầu tiên thì đã nghiễm nhiên thấy chùa thờ Phật. Chùa Tây Thiên từng được coi là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam xưa. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay còn ghi nhận lại nhiều lần tu sửa Chùa Tây Thiên đặc biệt là vào các năm Chính Hòa 25 (1704), năm Bảo Thái thứ 5 (1724), và năm Long Đức thứ 2 (1733). Tại đây cũng ghi nhận việc tu hành đắc đạo của các vị thiền sư cách đây hàng vài trăm năm. Bằng chứng là 3 mộ cổ thiền sư hiện nay được dựng thành tháp ở phía sau Chùa. Năm 2004 Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam thám sát và khai quật Những tư liệu khảo cổ bằng gốm gồm các tiểu quách chứa di cốt chứng minh các bia mộ này mang dấu ấn của thời Lý Trần từ thế kỷ 13. Các bia mộ có khắc tên các vị Thiền sư là Võng Sơn Thiền sư, Cúc Khê Thiền sư và Giác Linh Ngã. Các mộ đều quay theo hướng tây, được người thời sau xếp đá ráp và đá tự nhiên màu xám nhạt theo hình tháp có 4 mặt, mặt trước cắm các bia mộ. Đi thêm 150m nữa quý khách sẽ được tham quan Bàn cờ tiên, nơi người xưa cho rằng các vị thần tiên thường về đây quần tụ.
Ngôi chùa cổ nay đã được phục dựng bằng một ngôi chùa mới nằm lệc sang trái của vị trí cũ. Hiện nay, dấu xưa chỉ còn lại một ngôi tam quan cổ, khá đẹp, nay còn bức hoành phi ghi tên chùa là " Tây Thiên Thiền Tự". Kết cấu tam quan theo dạng tam sơn, với sự kết hợp cả yếu tố Phật giáo và Nho giáo.