ĐỀN THƯỢNG - TÂY THIÊN
Đền Thượng ở đâu ?
Đặt chân xuống ga đến của cáp treo Tây Thiên, đi qua cây thông 1.500 tuổi là đường dẫn đến ngôi đền trên lưng chừng ngọn Thạch Bàn, ấy là đền Thượng Tây Thiên.
Những tầng bậc xen nhau của mạch núi tại nơi đây đã tạo nên nền của các điện thờ khác nhau, trong đó, đền Thượng nằm ở chính tâm. Về phong thủy thì vị trí này mang thế tay ngai, lưng tựa vào ngọn Thạch Bàn, hai bên là hai tay núi chạy xuống, phía trước rộng thoáng, là cửa mở xuống trần gian nhìn về cánh đồng Thõng và rộng hơn là cả vùng châu thổ. Đền Thượng quay mặt về hướng Tây- Nam, trong đó hướng Tây thuộc âm, mặt thần thuộc dương, hợp với nhau tạo thành thế âm dương đối đãi.
Kiến trúc Đền Thượng
Điện thờ Quốc Mẫu Tây Thiên không có hậu cung đóng kín, không có cửa thờ. Trên chính điện chỉ một pho tượng Mẫu ngồi ở trung tâm, với "trướng phủ, màn che" tạo sự thâm nghiêm. Tượng Bà mang dáng vẻ uy nghi, sang trọng, ngồi trên bệ, hai chân buông thẳng,hai tay tì trên gối với tay phải cầm quạt gấp, mang nét quyền quý thuở xưa. Pho tượng này không có cách ngồi khoanh chân giống như các pho tượng Mẫu thông thường ở điện của tín ngưỡng Tứ Phủ. Phải chăng, do đồng nhất với "Sơn Trụ Đại Vương" nên cách ngồi của Bà đã buông cả hai chân như tượng Ngọc Hoàng và tượng nam giới được phong tước Vương?. Tại tòa tiền bái, hiện nay chỉ đặt ban thờ của hai thị giả là "Cô và Cậu của rừng núi ( đều khoác áo xanh lá cây). Trong đền còn nhiều hoành phi như " Sơn nhạc chung linh" ( Núi rừng hun đúc nên thánh/thần) " Quốc Mẫu linh từ" ( Đền thiêng Quốc Mẫu", " Mẫu nghi thiên cổ" ( Khuân phép do mẫu tạo lập ra còn mãi mãi)
Đền Thượng thờ ai ?
Gọi là đền Thượng vì đây là ngôi đền có độ cao nhất trong hệ thống thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu.
Buổi khởi nguyên, nơi đây chỉ có " Tây Thiên Quốc Mẫu" và "Tây Thiên cổ tự" tạo nên phong cảnh thanh tao của thiền môn và chốn thần tiên. Tới thời gian gần đây, người dân dựng thêm điện Tam Tòa Thánh Mẫu, Động Sơn Trang, điện thờ Mẫu Địa và điện Cô Chín tạo nên sự đa dạng về văn hóa là tín ngưỡng thờ Mẫu " Đạo Mẫu" và tín ngưỡng thờ Tứ Phủ trên khu vực này
Sự tích về bà Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu còn được chép trong ngọc phả Hùng Vương ở thời đại thứ 7 Hùng Chiêu Vương như sau:
Buổi đầu lên ngôi. Nhà vua nghiêm khắc chuyên về chính trị. Bãi bỏ khí giới, không dùng việc quân, chăm lo sức dân, mở mang nền giáo hóa để mở mang trí tuệ. Đúc kiếm báu, (Thiên linh kiếm), ấn báu (Thiên linh ấn) làm báu vật của quốc gia để giữ yên cho xã tắc vững bền mãi mãi.
Từ đó trong nước không còn mối lo, triều đình yên tĩnh.
Các quan bề tôi thấy vậy mới dâng lên nhà vua lời tâu rằng:
- Nghe đồn trên núi Tam Đảo có nhiều các vị Tiên đến hội.
Nhà vua vốn là người rất coi trọng việc quỷ thần nên nghe lời, mở cuộc kinh lí lớn để cùng đến xem xét phong cảnh. Đoàn quan quân từ kinh thành Phong Châu, ngựa xe nườm nượm lên đường.
Khi đi đến nơi mới thấy nơi đây quả là núi non thật đẹp như gấm, như vóc. Như hàng nghìn các lâu đài lớp lớp sáng lóa. Vách núi xanh biếc, dòng suối trong xanh, muôn lớp trên mặt nước lăn tăn gợn sóng. Hoa cỏ đua chen, cảnh trí tươi đẹp. Nho nhỏ nơi đầu núi có một ngôi chùa tên gọi Tây Thiên.
Nhà vua cho dựng đàn tràng nơi đầu núi, soạn sửa lễ chay sai các quan bề tôi làm lễ triều yến mở hội 7 ngày 7 đêm để cho trai gái 4 phương về dự hội vui. Lại đến chùa Phù Nghì lập vọng Tiên đàn, cầu trời đất mong được gặp Tiên.
Nhà vua sớm đảo (cầu phúc với thần linh), tối cầu (xin). Cả chim chóc nơi núi rừng cũng được nghe đọc kinh, cá lội dưới khe cũng đến nghe giảng kệ.
Việc công đức được tròn quả, nhà vua lại đến núi Thạch Bàn để xem xét cảnh Tiên. Mới thấy rằng ở nơi non nước một bầu chẳng khác nào như tọa lạc vào chốn bồng lai. Rồi nhà vua lại đến chùa Phù Nghì lập ra Vọng Sơn đàn, lập triều đình uy nghi để cầu đức Hoàng thiên.
Nhà vua vào làm lễ rồi quỳ khấn rằng:
- Nguyện có trời đất xét soi, nay nếu gặp được Thần Tiên thì quả đã cho kiếp ba sinh được tròn hưởng yên vui vậy.
Khấn xong, nhà vua làm lễ bái tạ, rồi ở lại đó 3 ngày. Vậy mà Thần Tiên vẫn chẳng thấy. Nhà vua bồi hồi lo lắng không rõ vì sao lễ lại không thành, mới đến ngự ở đầu núi rồng dựng đàn Vọng Tiên, bền lòng lầm rầm khấn vái.
Đêm ấy, thấy có thần linh mách bảo:
- Người mà nhà vua cầu mong đang ở phía tây núi lớn, nếu trở lên thì không gặp được. Cứ đi về xuôi thì sẽ gặp. Đến chân núi sẽ gặp người ở cửa rừng. Nhà vua còn được nghe thần đọc 4 câu thơ rồi mới trở ra về.
Quả nhiên trên đường trở về, đến dưới chân núi thì bắt gặp một người con gái xinh đẹp, vóc dáng lạ thường, đang đứng cạnh ngôi miếu bên đường để xem nhà vua giá ngự.
Nhà vua vừa lòng về sắc đẹp, mới nhận đem về cung. Rồi xa giá trở về đô thành Phong Châu lập làm Chính Vương phi.
Chưa đầy 1 năm sau thì Ngọc Tiêu có thai sinh được một con trai, phẩm chất thông minh, tài năng vượt trội. Đến tuổi trưởng thành, lập làm Hoàng thái tử để nối ngôi lớn, đặt làm Hùng Vĩ Vương.
Khi Bà mãn hạn dưới trần gian theo lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế về trời, nhân dân nhớ ơn mới lập lên ngôi chính điện thờ bà ở nơi vua Chiêu vương lập đàn cầu Tiên làm nơi thờ cúng. Về sau gọi là Đền Thượng Tây Thiên.
Từ đó về sau, nơi ấy có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm con đến cầu tự. Trở thành một chốn thiêng liêng cầu đường tử tức.
Và từ lâu ngày 15 tháng 2 đã trở thành ngày lễ hội truyền thống ở Tây Thiên hàng năm, gọi là lễ hội chính. Nhưng từ tháng Giêng, tháng 2, tháng 3 khách thập phương lên lễ đền rất đông để cầu cho một năm mới được bình an, mạnh khỏe, mọi việc đều hanh thông, tốt đẹp.
Văn Khấn Quốc Mẫu Tây Thiên